Khách hàng vẫn ủng hộ vé số truyền thống
Vé số điện toán Vietlott đang được người chơi hưởng ứng và chọn mua khiến thị trường vé số truyền thống bị chia thị phần. Một số người có phần “quay lưng” lại với vé số truyền thống do giải đặc biệt của vé số điện toán trị giá đến vài chục tỷ đồng…
Thị trường vé số truyền thống thời gian gần đây tạm bị sẻ chia một phần là điều khó tránh khỏi trong cuộc cạnh tranh hiện nay. Tuy nhiên, với bề dày truyền thống hoạt động và uy tín nhiều năm qua, ngành xổ số Đồng Nai có một hệ thống tới 55 đại lý cấp 1, hàng trăm đại lý cấp 2 và đặc biệt là mạng lưới bán lẻ cả ngàn người. Từ đội ngũ này, vé số Đồng Nai cũng như vé số của địa phương khác được đưa đi tiêu thụ khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, thậm chí đến tận “hang cùng ngõ hẻm”. Đây chính là lợi thế của hoạt động vé số “sân nhà”, chứng tỏ sức sống bền bỉ không thể mất đi của vé số truyền thống.
Nói về quá trình hành nghề xổ số của mình, bà Trần Thị Thảo (ngụ phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa) là 1/55 đại lý cấp 1 của Công ty TNHH một thành viên xổ số kiến thiết và dịch vụ tổng hợp Đồng Nai (gọi tắt là Công ty xổ số Đồng Nai), cho biết gia đình bà làm đại lý cấp 2 được 4 năm, rồi lên đại lý cấp 1 đã 8 năm. Hiện đại lý của gia đình bà Thảo đang phân phối vé cho 6 đại lý cấp 2 với hàng ngàn vé mỗi kỳ. Theo bà Thảo, từ ngày vé số Vietlott ra đời thì số vé các đại lý bán không hết trả về nhiều hơn trước, nhưng chưa thấy đại lý cấp 2 nào bỏ sang làm đại lý cho Vietlott.
Tham khảo các đại lý cấp 2 trực thuộc kinh doanh vé số của gia đình và số người bán lẻ vé số của các đại lý cấp 2 thì tổng doanh số mỗi kỳ của vé số Đồng Nai giảm không đáng kể, mặc dù nhiều người bán vé số dạo có bán kèm thêm vé Vietlott. Thực tế, số người tham gia bán vé số điện toán cũng không mấy mặn mà với loại hình vé số mới, bởi vé truyền thống không bán hết được trả lại, còn vé số điện toán “ế” chỉ có nước “ôm”.
Tương tự, chủ đại lý vé Hoa Lan (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) làm đại lý vé số truyền thống cấp 2 nhiều năm, cho hay số lượng vé giao cho người bán dạo có giảm đi chút ít, nhưng ảnh hưởng không nhiều. Hiện nay, số người lấy vé bán dạo từ đại lý gia đình là 8 người vẫn trung thành với tờ vé truyền thống, chưa thấy ai bỏ hẳn để kinh doanh vé số Vietlott.
Còn theo những người bán vé số dạo, hoạt động của vé số Vietlott trúng giải cao liên tục cũng có thể có và có thể không. Bởi người trúng không được công khai rõ ràng nên nhiều người nghi ngờ về tính xác thực của giải thưởng này. “Thực ra, thấy nhiều người trúng giải lớn của vé số điện toán tới vài chục tỷ đồng nên ai cũng ham, song không hề dễ trúng như người ta đồn thổi. Chính vì vậy, người chơi vé số điện toán chỉ mua vài tờ cho vui, chứ không mua từng xấp để “săn” giải thưởng như mua vé truyền thống. Điều đó cho thấy, vé truyền thống vẫn còn “đất” sống màu mỡ” – một người bán vé số dạo ở TP.Biên Hòa nhận định.
Rõ ràng, vé số truyền thống hiện đang có nhiều thế mạnh bởi thị trường trong nước, người chơi đã có quá quen với hình thức xổ số mỗi kỳ. Mặt khác, hệ thống “chân rết” của xổ số truyền thống có ở tất cả các địa bàn, thậm chí đến tận các xóm, ấp. Trước “cơn lốc” của vé số Vietlott, ngành xổ số truyền thống đã chủ động nâng mức giải thưởng đặc biệt lên, đồng thời có kế hoạch thay đổi cơ cấu giải thưởng là cần nhưng chưa đủ. Quan trọng ở chỗ, cần có sự thay đổi nhằm tạo ra tác động nhiều mặt, chẳng hạn kết hợp xổ số giữa các công cụ điện tử với các hình thức vui chơi có thưởng. Đây là loại hình được nhiều người chờ đợi mà ngành xổ số truyền thống cần hướng đến để cạnh tranh, thu hút thêm người chơi.
Phương Liễu
Theo Báo Đồng Nai
http://baodongnai.com.vn/xahoi/201612/khach-hang-van-ung-ho-ve-so-truyen-thong-2766080/